Lượt xem: 697

Sóc Trăng nỗ lực khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi

Vượt qua những khó khăn trong bối cảnh chung của COVID-19; trong 6 tháng đầu năm, ngành tôm Sóc Trăng phát triển ổn định với sản lượng đạt trên 49.000 tấn, đóng góp tích cực cho giá trị xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh hiện chỉ mới bước vào giai đoạn chính vụ trong khi diện tích thiệt hại do dịch bệnh trên tôm lại đang có biểu hiện tăng nhanh. Từ hộ nuôi đến cơ quan chuyên môn đang rất nỗ lực để duy trì tốt các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là tập trung khống chế dịch bệnh xảy ra trong vùng nuôi ở giai đoạn có nguy cơ bùng phát do tác động tiêu cực của thời tiết.

 


Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tình hình dịch bệnh tại vùng nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung. Ảnh Ngọc Thơ

 

    Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi trên 34.000 hecta tôm nước lợ, đạt 67% kế hoạch. Nếu như trong tháng 5, diện tích thiệt hại trên tôm nuôi là 360 hecta thì đến đầu tháng 7, con số này đã tăng lên  gần 1.800 hecta, chiếm 5,6% diện tích thả nuôi, tập trung chủ yếu tại vùng nuôi huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.  Mức độ thiệt hại trong thời gian gần đây tăng lên khá nhanh, khiến người nuôi đặc biệt lo lắng. Mặc dù có khá nhiều kinh nghiệm đối phó và áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa bệnh trên tôm nhưng dịch bệnh xuất hiện trên tôm đã khiến thành viên nuôi tôm thuộc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú ở xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung bị ảnh hưởng về năng suất. Việc phòng trị bệnh sẽ làm phát sinh chi phí đầu vào, tôm chậm phát triển khiến người nuôi bị giảm bớt lợi nhuận, thậm chí không có lãi. Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú - Trần Quang Cần chia sẻ: “Tính từ đầu năm đến nay diện tích tôm bị thiệt hại của thành viên Hợp tác xã là khoảng 20%, ngoài bệnh thường gặp như đốm trắng hay hoại tử gan tụy thì tôm còn mắc bệnh vi bào tử trùng. Đối với bệnh vi bào tử trùng biểu hiện ban đầu là mình xem đường ruột của con tôm, tôm mắc bệnh đường ruột sẽ bị cong, bệnh này khiến tôm chậm lớn nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến năng suất của cả vụ nuôi”.

    Nhằm quản lý chặt chẽ và khống chế dịch bệnh trên tôm, nhiều địa phương đã khuyến cáo hộ nuôi có điều kiện áp dụng quy trình công nghệ nuôi an toàn hơn, như:  Mô hình nuôi ao lót bạt đáy, mô hình nuôi 3 giai đoạn hoặc 4 giai đoạn trong ao tròn nổi. Ưu điểm nổi bật của các mô hình này là giúp quản lý tốt môi trường ao nuôi, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Ở huyện Trần Đề, diện tích nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tại huyện đã đạt hơn 12% tổng diện tích thả nuôi, nhờ vậy thiệt hại xảy ra trên tôm nuôi cơ bản được khống chế tốt với diện tích đã ghi nhận là 45 hecta. Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết thêm: “Với những mô hình này, tỉ lệ thành công khá cao, lý do là chúng ta khép kín được quy trình nuôi, chúng ta xử lý được nguồn nước rất chuẩn trước khi cấp vào ao nuôi, cũng nhờ vậy mà dịch bệnh ít xảy ra. Đặc biệt là với những ao lót bạt đáy diện tích mỗi ao chỉ chiếm từ 700 đến 1.000 mét vuông thôi nên một khi dịch bệnh có xảy ra thì điều trị vẫn tốt hơn, có thể thực hiện thay nước thường xuyên”.

    Đồng hành với người nuôi tôm trong tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường, thực hiện các chương trình giám sát chủ động và bị động nhằm cảnh báo kịp thời để người nuôi có sự chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro thiệt hại. Theo kết quả giám sát dịch bệnh của Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, tôm bị thiệt hại chủ yếu do môi trường là 630,3 hecta, thiệt hại do bệnh là 515,8 hecta. Trong đó, bệnh đốm trắng 120,2 hecta, hoại tử gan tụy cấp 332,8 hecta, bệnh phân trắng 51,9 hecta, vi bào tử trùng 8 hecta và hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu 3 hecta.  Ngoài 40 tấn hoá chất do Trung ương hỗ trợ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tiếp tục đấu thầu 20 tấn hóa chất Chlorine phân bổ cho các huyện nuôi tôm trọng điểm chủ động xử lý các ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm, phòng ngừa nguy cơ phát sinh trong thời gian tới. Đồng chí Đào Văn Bảy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Đối với việc giám sát dịch bệnh trên các kênh đầu nguồn, chúng tôi thực hiện trên 16 điểm ở các vùng nuôi trọng điểm gồm Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung, Vĩnh Châu; thực hiện lấy những mẫu tôm, tép tự nhiên để phân tích các bệnh truyền nhiễm. Qua kết quả phân tích có đến 40% mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, tỉ lệ này rất cao. Đề nghị bà con khi lấy nước vào ao nuôi phải hết sức cẩn thận, loại trừ hết các ký chủ trung gian mới đưa nước vào ao nuôi. Đối với việc giám sát ở những ao tôm người dân báo xảy ra thiệt hại, chúng tôi đã lấy được 366 mẫu, kết quả có đến 20% mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, 30% mẫu dương tính với bệnh gan tụy cấp và 27% dương tính với bệnh vi bào tử trùng. Qua các chương trình giám sát, chúng tôi nhận thấy hiện có 3 bệnh chủ yếu đang lưu hành trong vùng nuôi là bệnh hoại tử gan tụy, bệnh đốm trắng và bệnh vi bào tử trùng; trong đó, bệnh vi bào tử trùng đang có chiều hướng gia tăng”.

    Mức độ thiệt hại chiếm 5,6% diện tích thả nuôi tuy vẫn còn trong ngưỡng an toàn, tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu đề ra trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên tôm nhằm khống chế mầm bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng. Sóc Trăng là một trong ba tỉnh trọng điểm nuôi tôm nước lợ (gồm: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu) và chiếm trên 30% sản lượng tôm của cả nước; theo đó, khống chế dịch bệnh phát sinh trên tôm nuôi không chỉ đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi mà còn ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, để chung tay thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia của ngành tôm Việt Nam là đạt 10 tỉ USD vào cuối năm 2025.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 105
  • Hôm nay: 7873
  • Trong tuần: 78,580
  • Tất cả: 11,801,900